Hotline: 094.320.0088

Phần 1 – AI là gì? Sự khác biệt giữa AI, Machine Learning, Deep Learning!

Trong những năm vừa qua, cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thuật ngữ như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) và học sâu (deep learning) đang dần trở nên phổ biến và trở thành những khái niệm mà các công dân của kỷ nguyên 4.0 buộc phải nắm được.
Có thể giải thích mối liên hệ giữa 3 khái niệm này bằng cách tưởng tượng chúng như những vòng tròn, trong đó AI – ý tưởng xuất hiện sớm nhất – là vòng tròn lớn nhất, tiếp đến là machine learning – khái niệm xuất hiện sau, và cuối cùng là deep learning – thứ đang thúc đẩy sự bùng phát của AI hiện nay – là vòng tròn nhỏ nhất.
Có thể định nghĩa ba khái niệm này một cách cơ bản như sau:
Trí tuệ nhân tạo (AI): một cỗ máy có thể bắt chước hành vi và tư duy của con người. “Trí tuệ nhân tạo” thường được sử dụng để mô tả các máy móc (hoặc máy tính) bắt chước các chức năng “nhận thức” mà con người liên kết với tâm trí con người, như “học tập” và “giải quyết vấn đề”
Học máy (machine learning): Một tính năng của AI, cho phép các chuyên gia đào tạo cho AI để nó nhận biết các mẫu dữ liệu và dự đoán. Machine learning tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn hơn như:
  • Làm cho máy tính có những khả năng nhận thức cơ bản của con người như nghe, nhìn, hiểu được ngôn ngữ, giải toán, lập trình, …
  • Hỗ trợ con người trong việc xử lý một khối lượng thông tin khổng lồ mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày, hay còn gọi là Big Data.
Học sâu (deep learning): Một kỹ thuật nhỏ của machine learning, cho phép máy có thể tự đào tạo chính mình. Deep Learning đã giúp máy tính thực thi những việc tưởng chừng như không thể vào 10 năm trước: phân loại cả ngàn vật thể khác nhau trong các bức ảnh, tự tạo chú thích cho ảnh, bắt chước giọng nói và chữ viết của con người, giao tiếp với con người, hay thậm chí cả sáng tác văn hay âm nhạc

AI

AI là một thuật ngữ cao siêu mà có lẽ ai cũng từng nghe qua. Trước hết ta có thể lấy Doraemon là ví dụ điển hình của AI. Chú có thể trò chuyện với chúng ta, quét qua cơ thể để phân tích tình hình sức khoẻ, từ đó có thể đưa ra các chẩn đoán. Chú có thể tự thu thập thêm kiến thức mới phục vụ cho việc điều trị. Chú còn biết phân biệt được hành động đúng sai và nguy hiểm, giúp ta tránh được các tổn thương đến cơ thể. Đặc biệt chú có thể tự di chuyển đến nhiều nơi bằng đường bộ hay lắp thêm cánh để bay khắp thành phố.
AI là viết tắt của Artificial Intelligence, dịch ra thành Trí tuệ nhân tạo. Trong lịch sử phát triển AI, các nhà nghiên cứu phân thành 4 hướng tiếp cận chính:
  • Hành động như người (acting humanly)
  • Suy nghĩ như người (thinking humanly)
  • Suy nghĩ hợp lý (thinking rationally)
  • Hành động hợp lý (acting rationally)
Trong đó, mức độ mô phỏng máy tính như người là khó nhất và đây cũng là mục tiêu mà các nhà khoa học đang hướng tới. Ngoài ra, AI còn hướng sự suy luận của máy tính đến những đặc trưng sau:
  • Suy luận (reasoning): khả năng giải quyết vấn đề bằng suy luận logic.
  • Tri thức (knowledge): khả năng biểu diễn tri thức về thế giới xung quanh (hiểu được có bao nhiêu đối tượng, sự kiện, tình huống hiện hữu trong thế giới thực và được phân loại dựa trên đặc tính của từng đối tượng đó)
  • Lập kế hoạch (planning): khả năng thiết lập và đạt được mục tiêu đề ra dựa trên tri thức đã biểu diễn được.
  • Giao tiếp (communication): khả năng hiểu được ngôn ngữ viết và nói của con người.
  • Nhận thức (perception): khả năng suy luận về thế giới từ hình ảnh thị giác, âm thanh và các đầu vào giác quan khác.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã hình dung rõ hơn giữa các khái niệm AI. Bài tiếp theo mình sẽ nói về machine learning và deep learning các bạn nhé!
Theo Võ Hoàng Nam