Google và Facebook đang theo dõi mọi hoạt động của người dùng

TTO – 76% trang web hiện nay chứa các công cụ theo dõi người dùng của Google và 24% của Facebook. Truyền thông Mỹ cảnh báo đã tới lúc phải chấm dứt việc này.

Google và Facebook đang theo dõi mọi hoạt động của người dùng - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg (trái) và giám đốc điều hành Google Larry Page – Ảnh: CNBC

Đài CNBC (Mỹ) đưa ra những số liệu nghiên cứu thống kê mới nhất này của Dự án sự minh bạch và trách nhiệm trên mạng Princeton.

Từ đó cảnh báo, để có được bất cứ tiến bộ nào trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trong năm nay, dứt khoát cộng đồng phải “làm gì đó” để ứng phó với hai ông lớn Google và Facebook.

Đài Mỹ ví von một cách hóm hỉnh, việc cứ kêu ca rồi không làm gì cả trong vấn đề này chẳng khác gì chuyện ai đó cố gắng giảm cân song lại không chịu thay đổi chế độ ăn. Theo đó, hệ quả đơn giản và tất yếu là mọi thứ vẫn “vũ như cẫn”.

Cứ lên mạng là bị… “theo dõi”

Cũng theo báo cáo của Dự án sự minh bạch và trách nhiệm trên mạng Princeton, ngoài Google và Facebook, nền tảng dịch vụ mạng đứng thứ 3 về mức độ “cài cắm” công cụ theo dõi người dùng là mạng xã hội Twitter với 12%.

Theo đó nhiều khả năng Google hay Facebook sẽ đang theo dõi bạn trên nhiều trang web bạn truy cập, và đương nhiên sẽ theo dõi khi bạn sử dụng các sản phẩm dịch vụ do họ cung cấp.

Kết quả là hai ông lớn công nghệ này đã tích tụ được một số lượng lớn dữ liệu hồ sơ cá nhân của từng người. Trong đó có thể bao gồm các thông tin về sở thích, những lần mua sắm, hoạt động tìm kiếm, lịch sử lướt web và định vị,….

Sau đó họ sẽ cung cấp các dữ liệu nhạy cảm của bạn cho các bên cung cấp dịch vụ quảng cáo có chủ đích để những bên này sẽ “theo chân” bạn trong suốt hành trình “dạo chơi” trên mạng.

Do quy mô “phủ sóng” trên mạng của Google và Facebook rất lớn, bao trùm nhiều loại dịch vụ mạng, nên mỗi ông lớn đều có khả năng thu thập thông tin cá nhân rất khổng lồ.

Cũng vì thế đây cũng là hai công ty chiếm tới 63% về doanh thu quảng cáo online và chiếm tới 74% tăng trưởng của thị trường này trong năm 2017 theo thống kê của eMarketer. Đó là nhờ khả năng “bao sân” dữ liệu cung cấp cho các loại quảng cáo nhắm tới mục tiêu cụ thể của họ.

Google và Facebook đã trở thành hai “ông trùm” thống lĩnh thị trường quảng cáo số và chưa có tín hiệu nào cho thấy sẽ sớm có sự soán ngôi ở đây.

Google và Facebook cũng sử dụng dữ liệu về người dùng mà họ thu thập được để tiếp thêm “nhiên liệu” cho các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phức tạp hơn của họ.

Những thuật toán này sẽ đặt người dùng vào một “bong bóng lọc” (filter bubble) – một dạng thế giới quan số thay thế sẽ kiểm soát những gì bạn thấy trong các sản phẩm của họ.

Thế giới quan này được hình thành trên cơ sở căn cứ vào việc các thuật toán của họ nghĩ rằng bạn thích bấm vào những nội dung nào nhất trên mạng.

Những “căn phòng cộng hưởng” (echo chamber) này sẽ bóp méo hiện thực trong mắt người dùng, dẫn tới vô vàn những hệ quả ngoài chủ ý như việc tăng thêm các quan điểm phân cực trong xã hội.

Trong cuộc rượt đuổi không ngừng tới các mốc lợi nhuận khai thác từ thông tin cá nhân người dùng, Google và Facebook đang chứng tỏ họ không quan tâm nhiều tới những hậu quả tiêu cực mà những thuật toán của họ có thể gây ra.

Để ngăn các hệ lụy này?

Trước hết, đừng bao giờ bị đánh lừa với những tuyên bố tự quản lý chính sách hoạt động của các ông lớn, nhất là với những cái họ gọi là sự cải cách lâu dài hữu ích với chính sách bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Suy tới cùng, tất cả những thay đổi nếu có lợi cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng đều sẽ đi ngược lại với các mô hình kinh doanh cốt lõi của họ: Quảng cáo nhắm tới những mục tiêu cụ thể luôn phải dựa ngày càng nhiều hơn vào việc xâm phạm thông tin cá nhân.

Thế nên sự thay đổi cần phải đến từ bên ngoài, chứ không phải từ nội bộ các công ty như Facebook hay Google.

Đài CNBC cho rằng thật tiếc là cho tới nay người ta vẫn thấy Washington hầu như không có động thái gì đáng kể trong việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng độc quyền dữ liệu người dùng của các hãng công nghệ.

Theo đó, một khuyến nghị đưa ra là chính quyền cần phải có những chính sách đòi hỏi nhiều hơn nữa về sự minh bạch trong chính sách hoạt động của các thuật toán và chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người dùng.

Theo đó người dùng phải được biết quy mô của việc thu thập dữ liệu cá nhân của họ được tiến hành ở mức nào, do công ty nào xử lý và sử dụng.

Tuy nhiên trong khi chờ đợi những biện pháp ở tầm vĩ mô, người dùng cần tự bảo vệ mình thông qua việc sử dụng các ứng dụng add-on giúp chặn các công cụ theo dõi người dùng của Google và Facebook được “cài cắm” trong các trang web và dịch vụ mạng của họ.

Còn nếu không, một thông tin cho bạn là trên thế giới hiện có rất nhiều người hiện đang “sống khỏe” mà không cần phải sử dụng Google và Facebook.

D. KIM THOA

 

an ninh mạng