Thông tin trên mạng xã hội: Không phải đăng rồi xóa là xong!
“Tất cả những hành vi trên không gian mạng đều có người biết, theo dõi và ghi lại. Những thông tin tiêu cực, không đúng đắn ấy sẽ được lưu trữ và sau này, nếu các bạn đi xin việc thì nhà tuyển dụng có thể xem lại những thông tin, hoạt động này trên mạng xã hội (MXH) để rồi tìm hiểu tính cách, khả năng, hành vi ứng xử của các bạn. Chính những hành động, thông tin tiêu cực đó sẽ tạo sự bất lợi cho các bạn về sau”.
Đó là cảnh báo của ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Quản trị và An ninh mạng Athena, đưa ra tại chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường – Đưa chuyên gia đến với trường học” với chủ đề: “Ứng xử thông minh trên MXH” do báo Tiền Phong phối hợp cùng Trung Tâm đào tạo an ninh mạng Athena, AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TPHCM, Nam Á Bank tổ chức tại Trường THCS – THPT Hai Bà Trưng .
Đủ trò lôi kéo trên không gian mạng
Chia sẻ với các em học sinh, ông Võ Đỗ Thắng cho biết, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 100 triệu tài khoản MXH, trong đó nhiều người sử dụng nhiều MXH khác nhau. Với tốc độ tăng trưởng sử dụng MXH khoảng 10 – 15% mỗi năm, đến năm 2025 số lượng tài khoản hoạt động trên không gian mạng của Việt Nam sẽ lên tới khoảng 120 triệu tài khoản.
Theo ông Thắng, thế hệ trẻ hiện nay làm quen MXH rất nhiều vì các bạn tìm được nhiều thông tin bổ ích và kết nối, liên lạc với nhau cũng như thấy được những tin tức mới, thông tin tích cực từ đây. Tuy nhiên, MXH cũng mang đến những thông tin, những cạm bẫy và cũng có thể dẫn các bạn đi vào con đường bế tắc, những hành vi tiêu cực.
Vị chuyên gia cũng nhìn nhận, hiện có rất nhiều bạn trẻ nghĩ trên không gian mạng hầu như là nặc danh, không ai biết mình để rồi tạo tài khoản ảo, hình đại diện ảo rồi đưa thông tin lên mạng và nghĩ là những hoạt động, hành vi đó không ai biết, không làm gì được mình…
Thậm chí, trên không gian mạng, các bạn trẻ còn lập nên những nhóm “giang hồ mạng” với những bạn chỉ trong độ tuổi 15 – 20. Khi sa lầy vào những hội nhóm lệch chuẩn đó thì có thể bị “dính” vào nhiều hành vi mà các bạn không kiểm soát được; thậm chí từ thế giới ảo chuyển sang gặp gỡ nhau ở thế giới thực rồi chia sẻ những hành vi bạo lực ngoài xã hội. Hiện những việc như vậy rất nhiều”, ông Thắng nói.
Tương tự, thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thanh Trà, giảng viên trường ĐH Mở TPHCM kể về câu chuyện một học sinh suýt bị lôi kéo vào đường dây đăng tải, chia sẻ thông tin chưa rõ đúng – sai của một học sinh để được nhận thù lao. Theo đó, em học sinh này vô tình được bạn bè đưa vào một nhóm kín trên MXH.
Không phải đăng rồi xóa là xong!
Chia sẻ thêm với các em học sinh, ông Võ Đỗ Thắng cho hay, việc kiểm tra, giám sát đối với những hoạt động đăng tải trên MXH trước năm 2020 là chưa nhiều nhưng từ năm 2020 trở lại đây, việc này được lực lượng an ninh mạng theo dõi rất nhiều. Việc này nhằm nhận diện được những ai đứng phía sau những hội nhóm đó, những ai cố gắng bơm những thông tin độc hại, nguy hiểm, lôi kéo các bạn trẻ.
Cũng theo chuyên gia Võ Đỗ Thắng, tất cả những hành vi trên không gian mạng đều có người biết, theo dõi và ghi lại. Những thông tin tiêu cực, không đúng đắn ấy sẽ được lưu lại và sau này, nếu các bạn đi xin việc thì nhà tuyển dụng có thể xem lại những thông tin, hoạt động này trên MXH để rồi tìm hiểu tính cách, khả năng, hành vi ứng xử của các bạn. Chính những hành động, thông tin tiêu cực đó sẽ tạo sự bất lợi cho các bạn về sau.
“Mong các bạn cần có những suy nghĩ chín chắn trước khi chia sẻ lên MXH, xem chúng có tạo hiệu ứng tiêu cực cho cộng đồng, cho bạn bè mình hay không. Khi đưa thông tin không tốt lên MXH rồi, kể cả khi bị xóa đi, nó vẫn được lưu trữ trên đó, vô tình tạo nên những hệ quả xấu”, ông Võ Đỗ Thắng lưu ý đồng thời khuyến cáo, nếu các bạn trẻ tiếp tục đưa lên mạng những thông tin tiêu cực mà người đó trên 18 tuổi thì sẽ bị xử lý theo Luật An ninh mạng, bị xử phạt hành chính. Nếu tái phạm lần 2, lần 3 thì sẽ còn bị xử lý về mặt hình sự.
Ở góc độ tâm lý, muốn sử dụng MXH một cách an toàn, thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà cho rằng, chúng ta nên giảm thời lượng sử dụng MXH (tối đa 30 phút/ ngày). Nếu sử dụng quá nhiều, hệ thần kinh chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.
“Song song với việc giảm thời gian sử dụng MXH, chúng ta cần tăng lượng tương tác trực tiếp với bạn bè; tham gia hoạt động cộng đồng; tránh xa những xung đột trên MXH; nên học cách tôn trọng người khác và tập thói quen nghiêm khắc với thời gian của bản thân. Đặc biệt, trước khi làm gì, nên nghĩ đến hậu quả và hành động đó mang lại giá trị tích cực gì cho bản thân, bạn bè và xã hội…”, thạc sĩ Trà đưa ra lời khuyên.
Chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân
Về góc độ chuyên môn liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, ông Võ Đỗ Thắng cho biết, có những phần mềm ăn cắp dữ liệu, phần mềm thu thập thông tin được cài cắm vào những chương trình game online. Nếu bất cẩn thì chúng ta sẽ bị những phần mềm gián điệp âm thầm theo dõi và đánh cắp các dữ liệu, thông tin tài khoản, thông tin riêng tư…
Theo ông, có những tổ chức thu thập để đó rồi vài năm sau họ bán dữ liệu cá nhân và thu được rất nhiều tiền. “Do đó, khi các bạn muốn chơi game thì trước đó phải dùng công cụ để kiểm tra chương trình game đó có đính kèm phần mềm mã độc, gián điệp hay không để tránh mất mát dữ liệu cá nhân của mình”, ông Thắng lưu ý.