Ứng dụng Zalo có thực sự thu thập thông tin hay không?
Ứng dụng Zalo có thực sự thu thập thông tin hay không?
Trong những ngày gần đây, một số người dùng sử dụng phiên bản iOS 14 Beta đang trong giai đoạn thử nghiệm của Apple trên các điện thoại iPhone có phát hiện ra ứng dụng Tiktok và Zalo truy cập vào vùng bộ lưu trữ tạm của thiết bị (Clipboard), nhiều người cho rằng các ứng dụng này đang thu thập thông tin mà chưa được cho phép của người dùng. Điều này có đúng hay không?
Đầu tiên ta phải hiểu “bộ nhớ tạm” – Clipboard là gì trước. Đối với hầu hết các hệ điều hành hiện đại ngày nay, luôn tồn tại chức năng clipboard, đây là một khu vực lưu trữ tạm thời các thông tin phục vụ cho chức năng “copy – paste”. Khi người dùng thực hiện hành động “copy” thì dữ liệu sẽ được đưa tạm vào clipboard, khi người dùng thực hiện hành động “paste” dữ liệu tạm trong clipboard sẽ được “nhả” ra. Đây là tính năng tiện lợi mà hầu như người dùng nào cũng cần.
Nói về Tiktok và Zalo, những ứng dụng này cố tình truy cập vào clipboard để làm gì. Có thể giải thích như sau: Tiktok và Zalo sử dụng rất nhiều dữ liệu dạng đa phương tiện, như text, hình ảnh, video, nói riêng về hình ảnh, hiện nay có nhiều chuẩn (định dạng) được phát hành trên nhiều thiết bị khác nhau, ví dụ iPhone thì dùng HEIC thay cho JPG, Samsung dùng HEIF, việc sử dụng các chuẩn hình ảnh khác nhau sẽ gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng, do đó đa số các ứng dụng sẽ tiến hành chuyển đổi các định dạng này về lại JPG là chuẩn phổ biến hơn và ai cũng có thể xem được. Tương tự với chuẩn Videos, iPhone sử dụng MOV, trong khi Android như Samsung lại dùng cả MP4 và HEVC, chưa kể một số thiết bị có hỗ trợ cả HDR10+… Và vì vậy để người dùng có thể thuận tiện hơn trong việc chia sẻ ảnh, video, các ứng dụng như Tiktok hoặc Zalo phải chuyển đổi các định dạng khác biệt thành một chuẩn chung mà ai cũng có thể xem được, cụ thể là JPG với ảnh và MP4 với videos, do đó việc các ứng dụng này truy cập trước vào clipboard để xử lý trước cũng là điều dễ hiểu. Chưa hết, đối với riêng Zalo còn có tính năng gợi ý theo nội dung đã mà bạn đã copy vào clipboard, mục đích là tiện lợi cho người dùng. Tính năng này còn hỗ trợ trên ứng dụng Zalo dành cho Desktop.
Ảnh trên: Bên trái là ảnh chụp bởi iPhone XS Max và bên phải chụp bởi Samsung SM-G985F, cả hai ảnh đều là định dạng ảnh HEIC.
Vậy Tiktok và Zalo có thực sự thu thập thông tin hay không? Việc một ứng dụng nào đó truy cập vào nơi chứa dữ liệu mà không thông báo cho người dùng, sẽ gây ra sự nghi ngờ về vấn đề bảo mật, tuy nhiên trên thực tế khi thu thập thông tin, thì đối với những thông tin được thu thập sẽ phải gửi về một máy chủ nào đó, nhằm lưu trữ và phân tích thông tin thu thập. Khi cài đặt các ứng dụng như Zalo hay Tiktok, các ứng dụng này đều hỏi quyền truy cập vào thư viện trên máy, và nếu người dùng cho phép thì rõ ràng lấy dữ liệu ở thư viện này khỏe hơn nhiều so với chuyện thu thập trong clipboard. Chỉ với chuyện nói rằng Tiktok và Zalo truy cập vào clipboard và nói các ứng dụng này thu thập thông tin là không đủ chứng cứ. Đối với Tiktok, họ có nói rằng việc truy cập clipboard nhằm hạn chế tình trạng spam, đây cũng là một giải thích hợp lý ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dùng, trong tương lai có lẽ các ứng dụng này nên thêm tùy chọn quyền truy cập clipboard, để người dùng chủ động trong quản lý thiết bị.