Doanh nghiệp ‘cầu cứu’ vì bị WannaCry tống tiền

Các doanh nghiệp đã dính WannaCry tại Việt Nam đang vội vã nhờ chuyên gia và thậm chí là gọi điện trực tiếp đến lãnh đạo Sở Thông tin – Truyền thông để cầu cứu.

“Trưa nay tôi có nhận được cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ của một công ty tư nhân vì bị nhiễm WannaCry. Lập tức, tôi đã chỉ đạo phòng ban chuyên trách có hướng dẫn kịp thời để giúp doanh nghiệp này xử lý”, ông Lê Quốc Cường – Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM cho biết trong buổi tọa đàm đột xuất để thảo luận về tình hình lây nhiễm mã độc WannaCry vào chiều 16/5.

Ông Cường cho biết thêm, sau công văn khẩn của UBND TP HCM về triển khai các biện pháp phòng chống và khắc phục sự cố do mã độc WannaCry gây ra, sở này cũng đã phát đi cảnh báo đến các sở ban ngành và doanh nghiệp nhà nước trong thành phố. Đến hết ngày 16/5, chưa đơn vị nào thông báo bị lây nhiễm.

doanh-nghiep-cau-cuu-vi-bi-wannacry-tong-tien

Theo Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM, đến hết ngày 16/5, chưa đơn vị nhà nước nào tại địa bàn thành phố thông báo bị nhiễm WannaCry. Ảnh: Viễn Thông

Tuy nhiên, theo thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn, hàng chục doanh nghiệp tại Việt Nam đã trở thành nạn nhân của WannaCry. Số liệu của Công ty An ninh mạng CMC cho biết khoảng 400 máy tính ở Hà Nội và 200 máy tính ở TP HCM bị lây nhiễm.

“Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ nào về mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp tại Việt Nam do WannaCry gây ra”, ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin VNISA phía Nam chia sẻ.

Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 30 trường hợp doanh nghiệp bị lây nhiễm mã độc WannaCry trong những ngày qua. Các doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như thương mại, tài chính, sản xuất, truyền thông… Trong đó, một đơn vị sản xuất chương trình truyền hình tại TP HCM bị WannaCry đòi 7 bitcoin tiền chuộc . Một nhà máy với quy mô doanh thu đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm tại Biên Hòa (Đồng Nai) cũng bị nhiễm mã độc này, nhưng bộ phận IT đang tạm ngưng can thiệp để chờ ý kiến hướng dẫn từ tập đoàn mẹ ở nước ngoài.

doanh-nghiep-cau-cuu-vi-bi-wannacry-tong-tien-1

Một đoạn thông báo đòi tiền chuộc doanh nghiệp Việt Nam của WannaCry. Ảnh: Trung tâm Athena cung cấp

Trái với mong muốn của tin tặc, hầu hết doanh nghiệp bị lây nhiễm WannaCry tại Việt Nam không có ý định trả tiền chuộc để lấy lại dữ liệu. CMC ghi nhận được một công ty ở Hà Nội sở hữu 40 máy chủ, với 7 server chấp nhận chi khoảng 100 triệu đồng để lấy dữ liệu. Trong khi đó, chỉ có một trong số hơn 30 doanh nghiệp mà Athena đang hỗ trợ chịu trả hơn 70 triệu đồng để chuộc dữ liệu. Trường hợp này là một công ty kiểm toán.

“Hầu hết các công ty liên hệ phía tôi nhờ hỗ trợ cách ly để tránh bị lây lan chứ ít có ý định trả tiền chuộc. Những đơn vị này tự đánh giá mức độ quan trọng của dữ liệu. Một số cảm thấy không đáng kể thì họ chấp nhận bỏ những dữ liệu đó với ổ cứng cũ rồi mua ổ cứng mới lắp vào”, ông Thắng cho hay.

Hãng tin Reuters dẫn thông tin một quản lý khách sạn tại Hà Nội cho biết khách sạn bị WannaCry đòi 5 bitcoin tiền chuộc, tương đương khoảng 9.000 đôla. Tuy nhiên, đơn vị này cũng từ chối chi trả và chọn giải pháp chi 2.000 đôla để tạm thời nhận đặt phòng và cập nhật thông tin vận hành bằng phương pháp thủ công.

Các doanh nghiệp chưa nhiễm WannaCry cũng bắt đầu có động thái đề phòng. Ông Võ Đỗ Thắng cho hay, số doanh nghiệp chưa bị lây nhiễm nhưng gọi đến trung tâm của ông để xin tư vấn bảo mật tăng đáng kể, nhiều hơn số lượng đã bị nhiễm. Một vài chuyên viên IT tại các doanh nghiệp cho biết đã nhận được lệnh sao lưu các dữ liệu quan trọng và tính toán khả năng nâng cấp lên Windows 10, hệ điều hành mới nhất của Microsoft đang được cho an toàn nhất trong các phiên bản.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gặp khó thì không ít các đơn vị quy mô nhỏ dùng hệ điều hành Windows không có bản quyền nên phải tắt cập nhật vá lỗi. Ngoài ra, một số máy móc trong các ngành vốn được thiết kế chỉ chạy bằng Windows XP – hệ điều hành đã cũ và đang chứa nhiều lỗ hổng. May mắn duy nhất là Microsoft vừa ngoại lệ phát hành bản vá lỗi cho Windows XP do tính nghiêm trọng của WannaCry.

“Nếu anh chị nóng lòng có lấy bản vá cho Windows XP mà không rõ nguồn gốc thì lại có thể bị nhiễm mã tiếp. Với trường hợp các thiết bị sản xuất bị giới hạn bởi năng lực phần cứng hay đã vốn được thiết kế để chạy Windows XP thì bắt buộc ta phải dùng đến các biện pháp dự phòng xung quanh như nâng cấp tường lửa, dùng thêm các thiết bị phòng chống chuyên dụng…”, TS. Võ Văn Khang – Phó chủ tịch VNISA phía Nam cảnh báo.

Theo thống kê của Kaspersky, đã có hơn 200.000 máy tính ở 150 quốc gia bị thiệt hại bởi mã độc tống tiến WannaCry. Khoảng 110 nạn nhân đã chấp nhận chi trả tiền chuộc cho các tin tặc. Trong số các nạn nhân bị nhiễm có các tên tuổi lớn như: FedEx, Renault, Petro China, Walt Disney…
Trích nguồn www.vnexpess.net