Con số cho thấy an ninh mạng Việt Nam trong mức báo động

Việt Nam xếp hạng 101/195 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ toàn thế giới. Xét trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta chỉ đứng trên Đông Timor.

Theo báo cáo về Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Index – GCI) 2017 do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố mới đây, Việt Nam xếp hạng 101/195 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ toàn thế giới. Xét trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta chỉ đứng trên Đông Timor.

Chỉ số GCI của mỗi quốc gia được tính toán trên cơ sở điểm tổng hợp của bộ tiêu chí của chương trình GCA gồm 17 tiêu chí cụ thể, phân thành 5 nhóm tiêu chí, bao gồm: Pháp lý, Kỹ thuật, Tổ chức, Xây dựng năng lực, Hợp tác.

Con so cho thay an ninh mang Viet Nam trong muc bao dong - Anh 1

Đông Nam Á có 2 quốc gia lọt Top 10 GCI 2017

Trong bảng xếp hạng, Singapore đứng đầu với điểm số gần như tuyệt đối 0,925 (Điểm tối đa một quốc gia có thể đạt được là 1). Mỹ ở vị trí thứ 2 với 0,919 điểm.

Những vị trí tiếp theo trong tốp 10 gồm có Malaysia, Oman, Estonia, Mauritius, Australia, Georgia, Pháp, Canada. Sự vắng mặt của nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển trong top 10 cho thấy đang có những lỗ hổng an ninh tại những nền kinh tế lớn.

Điều này dễ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng trong xu thế gia tăng các cuộc tấn công mạng quy mô toàn cầu.

Báo cáo cũng chỉ ra mới 38% nước có chiến lược an ninh mạng quốc gia. Số lượng chính phủ các nước đang xây dựng chiến lược an ninh chiếm 12% trong tổng số được khảo sát.

Cũng theo ITU, trong năm 2016 gần 1% trong số các email có chứa mã độc. Trong năm 2017, những hậu quả mà các mã độc WannaCry, Petya hay CopyCat gây ra đã làm đau đầu giới công nghệ thông tin.

Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore đứng đầu bảng xếp hạng thì những nỗ lực về an ninh mạng của Malaysia và Thái Lan cũng được đánh giá cao với các vị trí lần lượt là 3 và 20. Đông Timor, Myanmar và Việt Nam là những quốc gia nằm trong nhóm báo động đỏ về an toàn thông tin mạng

Đáng lưu ý, trong GCI 2015 Việt Nam đứng ở vị trí 76 với mức điểm trên mức trung bình của thế giới. Nhưng đến năm nay, chúng ta đã tụt 25 bậc xuống vị trí số 101 và đứng gần cuối bảng trong các quốc gia ASEAN. Những con số trên phần nào cho thấy mức độ báo động về tình hình an ninh mạng của Việt Nam.

Tháng 8 năm ngoái, hoạt động hàng không của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị hacker tấn công. Trong các đợt tấn công đòi tiền chuộc bằng mã độc WannaCry và Petya vừa qua, Việt Nam không chịu thiệt hại nặng nề như nhiều quốc gia khác. Nhưng qua các sự việc đó đã làm lộ ra nhiều điểm yếu trong môi trường an ninh mạng của chúng ta.

Từ việc thiếu chiến lược an toàn thông tin mạng hoàn chỉnh cho đến sự chủ quan của các tổ chức, doanh nghiệp… đang khiến chúng ta rất dễ bị tấn công trên không gian mạng. Sự thiếu trách nhiệm về vấn đề bản quyền cũng như bảo vệ, sao lưu dữ liệu cùng với nhận thức và hiểu biết của nhiều người dùng còn kém càng khiến cho tình hình an ninh mạng của Việt Nam thêm nghiêm trọng.

Con so cho thay an ninh mang Viet Nam trong muc bao dong - Anh 2

Các cuộc tấn công dữ liệu bằng mã độc vừa qua là hồi chuông báo động về vấn đề an ninh mạng

Theo thống kê từ Internetlivestats, trong năm 2016 số lượng người sử dụng Internet đạt 49,063,762 (chiếm 52% dân số). Cùng với đó là sự phát triển của số lượng người sử dụng thị trường thiết bị di động và các mạng xã hội đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức cho tình hình an ninh mạng của chúng ta.

Bên cạnh các nguy cơ và thách thức, vấn đề an ninh mạng đang ngày càng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các quốc gia được GCI 2017 đưa ra như một dấu hiệu đáng mừng được. Tuy nhiên, nếu các quốc gia muốn ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ mất an ninh thông tin mạng thì chỉ như vậy là chưa đủ.

Theo ITU, “An ninh mạng phải là một sinh thái nơi mà luật pháp, các tổ chức, kỹ năng, sự hợp tác và các yêu tố kỹ thuật được phối hợp hài hòa để đem lại hiệu quả cao nhất”. Những con số và vụ việc cụ thể đang cho thấy tình trạng đáng báo động về vấn đề an ninh mạng ở Việt Nam và muốn có hệ sinh thái an ninh mạng hiệu quả không thể thiếu kế hoạch cụ thể với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức cho tới từng người dùng cá nhân.

an ninh mạng

Trích nguồn www.baomoi.com