Facebook phải cho cảnh sát Anh truy cập tin nhắn mã hóa
Việc Facebook cho cảnh sát Anh truy cập tin nhắn mã hóa sẽ thuận lợi cho quá trình điều tra các vụ án, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều vấn đề vì kẻ xấu cũng khai thác lỗ hổng để tấn công người dùng.
Theo một hiệp ước sắp ký kết, Facebook và WhatsApp phải cho cảnh sát Anh quyền truy cập vào tin nhắn mã hóa. Hiệp ước mới liên quan đến nhiều nền tảng truyền thông xã hội có trụ sở tại Mỹ. Các công ty phải chia sẻ thông tin để thuận lợi cho việc điều tra tội phạm, khủng bố hoặc ấu dâm.
Hiệp ước mới sẽ được hoàn tất vào tháng 10. Cả hai bên cam kết không điều tra công dân của nhau. Điều này có nghĩa Mỹ không được sử dụng thông tin thu từ công dân Anh, thậm chí trong những vụ án có phán quyết tử hình.
Các quan chức ở hai nước đều lập luận đặt mã hóa không thể bẻ khóa đồng nghĩa với việc che giấu tội phạm. Họ nói những “cửa sau” (back door) hay cổng truy cập bí mật nên được thiết lập ở những hệ thống này để dễ tiến hành điều tra. Dù vậy, có nhiều ý kiến lo lắng việc này sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu.
Tháng 12 năm ngoái, Úc thông qua quy định buộc các hãng công nghệ phải giúp quan chức thực thi pháp luật truy cập các cuộc hội thoại nếu có nghi ngờ là của tội phạm. Đây là nơi đầu tiên áp dụng lệnh này.
Tại Mỹ, những người ủng hộ quyền riêng tư đang buộc chính phủ giải mật ở vụ kiện về mã hóa liên quan đến Tòa án Tối cao và Facebook. Hồi 2018, phán quyết buộc FBI không được ép mạng xã hội này nghe lén cuộc gọi đã được mã hóa trên Facebook Messenger. Hầu hết nhà hoạt động nói điều này có ý nghĩa quan trọng trong tương lai về quyền riêng tư và sự giám sát từ chính phủ.
Hồi tháng 6, Apple, Google, Microsoft, WhatsApp và nhiều công ty khác đã từ chối đề nghị của cơ quan tình báo Anh (GCHQ). Nước này yêu cầu các hãng cung cấp cho cảnh sát quyền truy cập tin nhắn mã hóa riêng tư mà không cần bẻ khóa. Bên cạnh đó, GCHQ còn đề xuất hình thức tiếp cận bằng cách âm thầm thêm các nhà hành pháp vào những nhóm trò chuyện để điều tra.
Tuy nhiên, hầu hết các hãng công nghệ đều từ chối vì hành vi này là xâm phạm an ninh mạng và quyền con người.
Facebook đã đưa phản hồi về vụ việc: “Chúng tôi tin con người có quyền trò chuyện trực tuyến riêng tư. Mã hóa đầu cuối giúp bảo vệ quyền này và là tiêu chuẩn của giá trị chúng tôi cung cấp cho hàng tỷ người mỗi ngày. Công ty phản đối những nỗ lực tạo cửa sau vì việc này làm giảm sự riêng tư và bảo mật. Chúng tôi mong đợi các nhà hành pháp vẫn tiếp tục bảo vệ mọi người an toàn. Các chính sách như Đạo luật CLOUD cho phép các công ty cung cấp thông tin có sẵn khi nhận được yêu cầu pháp lý hợp lệ, nhưng không yêu cầu các công ty tạo ‘cửa sau’ ”.
Nguồn techsignin.com