Hotline: 094.320.0088

Nhiều doanh nghiệp Việt đưa trí tuệ nhân tạo vào kinh doanh

(ATHENA) – Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng số hoá, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, chế biến sản phẩm như đòi hỏi bắt buộc để nâng tầm hàng Việt.
Theo các chuyên gia, đưa công nghệ, tiêu chuẩn vào hàng Việt là yêu cầu tất yếu để tăng giá trị, sức cạnh tranh trong xu hướng hội nhập.

Theo ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cỏ May, công nghệ mới là thời cơ vàng để doanh nghiệp rút ngắn nhanh cách biệt về trình độ phát triển trên thị trường. Như tại Cỏ May, công ty chuyên nghề chế biến gạo. Trong chế biến gạo có phụ phẩm là cám tươi, chế biến thủy sản cần có cám trích béo để điều tiết năng lượng trong khẩu phần ăn của con cá. Cỏ May đã lập phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển (R&D) để nghiên cứu tinh chất trong cám.

Gần đây, doanh nghiệp này lập thêm công ty về tự động hoá với trí tuệ nhân tạo (AI), những giải pháp nhỏ đã mang lại những giá trị lớn. Một công ty con khác là Cỏ May Bách Hoa chuyên về hoa kiểng ở Sa Đéc, chuyên kinh doanh sản vật địa phương kết hợp với công nghệ tự động hóa, trí thông minh nhân tạo.

“Chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ đếm cá dưới ao, sử dụng cảm biến đo được kích thước, trọng lượng cá đang bơi vận hành một thiết bị cân cá tự động tại công ty chế biến thủy sản Cỏ May Imexco. Hệ thống cân do tự cảm biến, để miếng cá lên thì nó cân, để bàn tay lên thì không cân, tổng giá trị của hệ thống này chỉ trên dưới 200 triệu đồng và sai số là 1/1.500. Chính nhờ công nghệ và tự động hóa mà mình đã rút ngắn khoảng cách với phát triển phương Tây” – ông Thiện kể.

img8414 1550904785535639893475

Doanh nghiệp giới thiệu trái cây sạch trong khuôn khổ Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019

Hay tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc, chia sẻ một trong những công nghệ được áp dụng ở PNJ là dùng công nghệ computervision kết hợp với trí tuệ nhân tạo, biến những chiếc camera an ninh trở thành camera giúp doanh nghiệp đọc được hành vi khách hàng, hành vi của nhân viên bán hàng. Từ đó công ty bố trí lại quầy kệ trong cửa hàng, tạo thuận lợi cho luồng di chuyển của khách, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nhân viên cũng như sắp xếp lại ca, kíp…

Công nghệ cũng được PNJ áp dụng để gia tăng hoạt động thông qua việc phân tích, tối ưu hóa lượng hàng tồn kho, lượng hàng trên đường di chuyển. Vì sản phẩm của PNJ thường là vàng trang sức… nhỏ nhưng giá trị rất là lớn. Do đó, chi phí tài chính cũng rất lớn.

Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang áp dụng công nghệ, số hoá vào hoạt động sản xuất kinh doanh với mục tiêu tối ưu hoá sản phẩm, chất lượng dịch vụ nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho khách hàng, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, cho rằng cần phải có sự kiến tạo mới, sự thay đổi nhanh chóng về mặt công nghệ để bắt kịp với xu hướng. Từ công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo đến công nghệ sinh học… Vinamit những năm gần đây đã tập trung vào việc làm sao để có thể có sản phẩm lương thực bền vững, thực phẩm hữu cơ và cả thực phẩm sinh học cho con người trong thời gian tới.

Tại hội thảo Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới trong khuôn khổ Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) mới đây, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, cho biết nhiều nước trong khu vực ASEAN đang có sự đầu tư mạnh mẽ cho vấn đề số hóa, công nghệ. Hầu hết các nước đều có chiến lược, chính sách đào tạo và hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp địa phương trong việc số hóa để nâng năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, Malaysia, Singapore có chương trình với chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ; Philippines, Indonesia đều có chính sách hỗ trợ từ vốn, kỹ năng quản lý, đặc biệt là số hóa hay Thái Lan có chính sách khuyến khích áp dụng cải tiến công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương…

Nhiều doanh nghiệp HVNCLC cũng đã, đang đi theo xu thế về công nghệ, số hóa quá trình sản xuất kinh doanh. Theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp HVNCLC, hàng hoá của doanh nghiệp Việt hiện muốn bán được, muốn đi xa và lên được kệ hàng thế giới, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ.

Theo Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Phi Vân, nhiều doanh nghiệp ở những quốc gia khác đã đầu tư chuyển đổi số hóa, công nghệ cách đây khoảng 5 năm và giờ bắt đầu gặt hái thành quả. Doanh nghiệp Việt cần có lộ trình ngắn hạn và dài hạn trong sự kết hợp hài hòa để hội nhập về kinh tế hiệu quả, thành công tại nhiều thị trường. Dẫn chứng số liệu thống kê cho thấy khoảng có 1/2 dân số thế giới đã online, 53% người tiêu dùng online cảm thấy lạc lõng khi bị cắt kết nối, 31% người tiêu dùng online chỉ muốn liên lạc qua kênh online… Do đó, doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài số hóa và ứng dụng công nghệ để chinh phục thị trường.