Vài gợi ý cho bảo mật smartphone của bạn

Chiếc điện thoại thông minh (smartphone) giờ đây đã gần như thay thế vai trò của chiếc máy tính với nhiều người, theo đó nhu cầu bảo mật thông tin cho nó cũng lớn hơn.

smartphone the hill 1511752248810

Theo trang The Hill, căn cứ vào khối lượng dữ liệu được chia sẻ qua tin nhắn và các cuộc gọi thoại, cùng với đó là các thông tin liên đới như vị trí thực của người dùng và cách quản lý thiết bị trong thời đại vạn vật kết nối (IoT), không ngạc nhiên khi smartphone trở thành đối tượng ngày càng bị tin tặc nhòm ngó nhiều hơn.

Phòng còn hơn chữa, nguyên tắc này vẫn luôn đúng trong thời đại tất cả mọi người đều phải tự tìm cách bảo vệ mình trước các nguy cơ tấn công mạng ngay từ thiết bị thường xuyên mang theo người là chiếc điện thoại di động.

Không dùng tin nhắn khi cần trao đổi vấn đề muốn giữ bí mật. Mới đây giao thức SS7, một thao thức điện thoại quen thuộc cho phép gửi tin nhắn SMS giữa các nhà mạng bị tiết lộ những lỗ hổng bảo mật khiến việc gửi tin nhắn không còn đảm bảo an toàn như mọi người kỳ vọng nữa.

Theo đó, một lời khuyên đơn giản là nếu bạn không muốn người khác biết nội dung mình đã trao đổi, hãy tránh sử dụng tin nhắn SMS trong khi liên lạc về vấn đề đó.

Luôn cập nhật phần mềm cho thiết bị. Mặc dù với các lần nâng cấp phần mềm này, các trải nghiệm người dùng hoặc một số tính năng chung sẽ không thay đổi, nhưng có những cập nhật dường như khá nhỏ song lại bao hàm các miếng vá bảo mật giúp thiết bị của bạn an toàn hơn.

Apple đang tỏ ra là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực bảo mật. Công ty này đã mã hóa và cấu hình ứng dụng iMessage của họ để thông báo với người dùng trong trường hợp có một bên thứ ba cố tình nghe lén họ.

Cũng như thế ứng dụng nhắn tin phổ biến WhatsAp cũng đã áp dụng công nghệ mã hóa đầu – cuối.

Với những người luôn phải bận tâm về vấn đề bảo mật, chẳng hạn những người tự xác định mình là đối tượng dễ bị tấn công hoặc những người thường xuyên liên lạc với giới báo chí, có thể cân nhắc sử dụng các ứng dụng như Signal và Wickr.

Chú ý tới các điểm kết nối wifi. Bất kể bạn là ai, hãy luôn để ý tới những điểm kết nối wifi thường sử dụng hàng ngày.

Hãy đảm bảo chỉ sử dụng dữ liệu kết nối đó nếu có một mạng wifi tin cậy hoặc mạng Internet 4G. Hãy nhớ là các mạng 3G đặc biệt dễ bị tấn công với các tháp điện thoại có công nghệ bảo mật kém.

Chuyển mã PIN từ 4 sang 6 số. Dù chỉ là một thao tác đơn giản, nhưng bạn sẽ tăng tỉ lệ bảo mật đáng kể cho thiết bị khi hạ mức rủi ro từ 1/10.000 xuống 1/1.000.000.

Bên cạnh đó, hãy “gia cố” thêm cho thiết bị bằng cách kích hoạt lớp bảo mật sinh trắc học. Đây là một cách xác thực có tính duy nhất gần như tuyệt đối trong việc gắn tính sở hữu độc lập của bạn với thiết bị di động.

Tin tốt lành là các hãng công nghệ hiện nay đang tiến tới xu hướng tách biệt họ hoàn toàn với dữ liệu của người dùng.

Chẳng hạn Apple mã hóa thông tin bằng cách duy trì hình thức chia sẻ dữ liệu chủ yếu giữa các thiết bị, theo đó bạn là người duy nhất có thể tiếp cận dữ liệu này còn Apple sẽ chỉ trông thấy phiên bản đã mã hóa dữ liệu của bạn.