Hotline: 094.320.0088

CÙNG CON VÀO THỜI ĐẠI SỐ: CON CHƠI GAME, CHA MẸ MẤT DỮ LIỆU

CÙNG CON VÀO THỜI ĐẠI SỐ: CON CHƠI GAME, CHA MẸ MẤT DỮ LIỆU

Nhiều cha mẹ cho con mượn điện thoại, máy tính khá vô tư, thỉnh thoảng mới quan sát “thủ công” xem con đang xem gì, chơi gì… Điều này tiềm ẩn nguy cơ nhiễm mã độc, có thể lấy đi dữ liệu cá nhân của trẻ và cả phụ huynh.

Cẩn trọng khi cho con dùng điện thoại, máy tính của phụ huynh để tránh nhiễm mã độc

Cẩn trọng khi cho con dùng điện thoại, máy tính của phụ huynh để tránh nhiễm mã độc

Mới đây, ông Nguyễn Văn Hoàng Ân (Q.5, TP.HCM) tá hỏa khi 80% tài liệu trên laptop biến mất chỉ sau một đêm. Tối hôm trước, ông có cho con mượn máy để chơi game trên trình duyệt Google Chrome.

1. Nhiều chiêu để đánh cắp dữ liệu

Con ông Ân kể lúc chơi được 30 phút thì xuất hiện một đường dẫn giới thiệu một tựa game mới kèm đồ họa bắt mắt. Bấm vào link, màn hình chuyển sang một trang khác có đồng hồ đếm ngược và nút tải xuống. Con ông lại tò mò bấm tải nhưng không thành công nên nghĩ đơn giản là link bị lỗi.

Hôm sau, ông Ân mở máy làm việc thì bàng hoàng phát hiện những dữ liệu quan trọng trong bộ nhớ đã không còn. Liên hệ đến một trung tâm bác sĩ máy tính, ông được cho biết máy đã nhiễm mã độc và không có cách phục hồi.

“Tôi không nghĩ tổn hại sẽ lớn đến thế. Trước nay tôi đều cho con chơi trên laptop của mình mà không nghĩ xa sẽ có những mã độc vào máy như vậy” – ông Ân nói.

Trường hợp ông Ân không phải là hiếm. Theo TS Phạm Văn Hậu – giám đốc Trung tâm an ninh mạng CNSC, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), môi trường số có không ít website ẩn chứa nhiều cạm bẫy hướng đến trẻ nhỏ.

Ngay trên mạng xã hội cũng có nhiều đối tượng chực chờ tiếp cận để lấy thông tin người dùng. Với trẻ em chưa thể phân biệt thì nhiều khả năng có thể dính phải những mã độc kẻ xấu gửi đến để lấy thông tin từ tài khoản hoặc máy tính của cha mẹ.

TS Phạm Văn Hậu phân tích thêm trên không gian ảo, mã độc có thể được gửi đến qua các đường link hoặc tin nhắn lạ. Kẻ xấu thường có nhiều kịch bản, phần lớn là đề cập đến những chuyện gấp gáp, ví dụ các sự cố liên quan tới bạn, tới máy tính của bạn hoặc có người quen cần giúp đỡ, nhất là về tiền bạc.

Không ít trường hợp người dùng chỉ cần bấm vào đường link là mất đi dữ liệu cá nhân. Trái lại, có khi trao đổi qua tin nhắn, kẻ xấu cũng có thể khai thác thông tin riêng tư của bạn.

2. Thiết lập chế độ quản lý

Theo ông Phạm Nguyễn Hoàng Bảo – trưởng phòng an toàn thông tin Trung tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh quốc tế Athena, hiện nay phần nhiều cha mẹ cho con sử dụng điện thoại của mình một cách vô tư nhưng thường chỉ giám sát bằng cách “thủ công” như thỉnh thoảng đến ngó xem con đang xem gì, chơi gì.

Những hệ điều hành di động như IOS và Android thường có những chế độ kiểm soát cho cha mẹ (Parental Control).

Khi khởi động chức năng này, cha mẹ có thể thiết lập những chỉ số đúng với mong muốn của mình. Chẳng hạn, con không thể truy cập những website đã được cha mẹ gán mác “cấm”.

Phụ huynh có thể thiết lập thời hạn cho con chơi game, xem phim, nếu quá thời lượng này, các ứng dụng trên sẽ tạm thời khóa lại. Chế độ cũng sẽ ngăn cản những hoạt động phát sinh chi phí như mua sắm, đăng ký tài khoản, nhằm tránh việc con vô tình hay cố ý “chốt đơn” lung tung bằng điện thoại của cha mẹ.

Phụ huynh có thể vào phần cài đặt của cả máy IOS lẫn Android để tìm chức năng kiểm soát (Parental Control) này.

Trong đó, cha mẹ sẽ phải tự thiết lập một bảng cấp quyền cho con theo ý đồ của mình, như giới hạn con vào những website nào, thời gian tối đa bao lâu, không được đụng đến những dữ liệu nào của họ.

Cách thức này sẽ bảo vệ khá hữu ích cho những thông tin trên điện thoại của phụ huynh, dù vậy tất nhiên vẫn có sai số với các mã độc tinh vi.

Để bổ trợ, phụ huynh có thể cài đặt thêm một số phần mềm như Kids Mode trên Samsung, mSpy trên iPhone, Family Link của Google… nhằm gia tăng khả năng bảo mật.

“Trong giai đoạn giãn cách, cha mẹ có thể nghiên cứu sử dụng các biện pháp công nghệ này. Có thể phải tốn thời gian để thiết lập nhưng khi sử dụng phụ huynh sẽ đỡ tốn công giám sát rất nhiều” – ông Bảo nói.

3. Những cái bẫy

cung con choi game 2Ông Phạm Nguyễn Hoàng Bảo cho biết những đối tượng xấu khi tạo ra các dữ liệu độc hại thường tìm những cách rất thu hút với người dùng, đặc biệt là trẻ em.

Nhiều mã độc ẩn trong những tựa game trông khá hấp dẫn, thậm chí trong ứng dụng không gắn quảng cáo, nhưng lại mang theo các mã có thể xâm nhập vào điện thoại.

Không ít trường hợp cũng từ các tựa game “lạ” như thế, đối tượng xấu đã có thể theo dõi lâu dài những hoạt động trên thiết bị của bạn. Như vậy, chuyện đánh cắp dữ liệu chỉ là vấn đề sớm muộn.

3. Dùng nhiều tài khoản trên hệ điều hành

Với máy tính, TS Phạm Văn Hậu cho biết phụ huynh nên áp dụng những biện pháp kỹ thuật để tạo “lá chắn” bảo vệ con trên Internet. Nhiều hệ điều hành máy tính đều có chức năng kiểm soát trẻ em.

Phụ huynh có thể vào mục Family & Other Users trên hệ điều hành Windows và làm theo hướng dẫn để thiết lập những hạn chế khi con vào máy tính của cha mẹ. Khi kích hoạt các chức năng này, phụ huynh sẽ hạn chế quyền tiếp cận một số ứng dụng của con, đồng thời có thể theo dấu hoạt động, lịch sử truy cập của con.

Nên dùng những tài khoản khác nhau khi đăng nhập vào hệ điều hành. Khi cho con vào bằng tài khoản Khách (Guest), cha mẹ sẽ giảm được một số nguy cơ đến dữ liệu trên tài khoản chính.

Con sẽ không thể đụng vào những tài liệu của cha mẹ, ngoài ra nếu không may nhiễm mã độc, mức độ tổn hại đến các tài nguyên cũng sẽ thấp hơn.

Phụ huynh có thể cài đặt thêm một số ứng dụng để tạo thêm một lớp bảo vệ con và máy tính cá nhân trước những nội dung độc hại trên không gian mạng. Một số phần mềm tương thích với cả hệ điều hành Windows và Mac như Qustodio Parental Control, Kaspersky Safe Kids, McAfee Safe Family, Net Nanny, Mobicip…

4. Mọi thứ trên Internet sẽ tồn tại mãi mãi

Trên Lifehack, trang web nổi tiếng thường đăng tải những bài học về kỹ năng sống, chuyên gia Michael Prywes (Mỹ) chia sẻ một số nguyên tắc mà phụ huynh cần dạy con trước khi cho chúng “tự do” sử dụng Internet. Một trong những bài học quan trọng nhất cần ghi nhớ là mọi thứ đăng tải trên Internet đều có thể tồn tại mãi mãi.

Ngay cả khi nội dung đã được xóa, các máy chủ của trang web cũng thường duy trì một số bản sao dưới nhiều hình thức khác nhau.

Vì vậy, các con cần nhận thức rằng bất kỳ thông tin, ảnh hoặc bài đăng nào trên môi trường “ảo” đều có thể gắn liền với chúng vĩnh viễn. Không ít trường hợp những nội dung các con viết hôm nay lại có thể gây hại đến cơ hội học tập và việc làm của chúng trong tương lai.

Một nguyên tắc cần “nằm lòng” khác là mọi hành vi trên Internet đều có khả năng để lại hậu quả trong đời thực. Nhiều bạn nhỏ nghĩ rằng trên không gian số sẽ ít ai để ý hoặc thậm chí không ai biết mình, nên có những hành động “thả nổi”.

Các bạn thậm chí có thể tham gia các hội nhóm kỳ quặc, các nội dung, xu hướng độc hại một cách vô tư. Gốc rễ nằm ở chỗ các hội nhóm thường xem Internet và cuộc sống thật là hai thế giới tách biệt.

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng những dấu vết bạn để lại trên Internet ảnh hưởng rất nhiều đến bạn ngoài đời. Rõ ràng có nhiều vụ việc từ những sự lệch chuẩn trên Internet đã dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật trong đời thường.

Do đó, phụ huynh cần hướng dẫn con học cách áp dụng các quy tắc về cách cư xử trên Internet như ngoài đời thực. Điều này còn giúp con nhận ra được các dấu hiệu tiêu cực, phạm pháp trên môi trường trực tuyến.

Nguồn Tuổi trẻ