Hotline: 094.320.0088

Smishing, WiFi công cộng, deepfake… những mỗi đe dọa bảo mật sẽ bùng nổ trong năm 2020

Thế giới bảo mật luôn vận động không ngừng, song hành với tốc độ phát triển của internet cũng như lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh sự ra đời của các phương thức bảo mật hiệu quả hơn, các mối đe dọa mới cũng ngày càng trở nên phức tạp. Smishing, WiFi công cộng, deepfake…được cho là những mối đe dọa bảo mật mới, nhiều khả năng sẽ phát triển bùng nổ trong năm 2020 tới đây.

Theo dự đoán từ các chuyên gia bảo mật máy tính Experian, mạng WiFi công cộng sẽ tiếp tục là phương tiện lây lan mã độc ưa thích của hacker trong năm 2020 do sự phổ biến của hệ thống kết nối internet công cộng tại nhiều thành phố lớn trên thế giới. Người dùng cần phải đặc biệt cẩn thận với dữ liệu mà họ lưu trữ trên điện thoại, laptop, đồng thời cân nhắc thật kỹ, chuẩn bị các biện pháp bảo vệ đầy đủ trước khi kết nối với hệ thống mạng công cộng không xác định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng tin rằng “smishing” – hình thức tấn công lừa đảo qua SMS, sẽ được hacker sử dụng phổ biến trong năm 2020. Tin nhắn lừa đảo sẽ chủ yếu núp bóng dưới dạng thông báo trúng thưởng, khảo sát xã hội, và đặc biệt là chính trị (ở một số quốc gia). Hình thức tấn công này không mới, cũng không hề phức tạp, nhưng vẫn luôn đạt hiệu quả cao do sự chủ quan, nhẹ dạ cả tin của nhiều người. Hãy cân nhắc trước khi tương tác với tin nhắn gửi đến từ một địa chỉ xa lạ.

Smishing

Deepfake – công nghệ mạo danh (thông qua video, hình ảnh) dựa trên AI thường được sử dụng với mục đích tạo tin giả, lừa đảo, bôi nhọ, công kích cá nhân sẽ được các tác nhân độc hại tích cực lạm dụng trong năm 2020. Lấy ví dụ đơn giản, kẻ gian hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ deepfake để tạo các đoạn video giả mạo người nổi tiếng để lừa những người thiếu cảnh giác nhấp vào liên kết độc hại. Hoặc thậm chí tạo ra đoạn ghi âm giả mạo theo giọng của một nhân vật quản lý cấp cao trong công ty, từ đó đánh lừa cả một tổ chức. Có rất ít công cụ đủ khả năng phát hiện ra nội dung âm thanh và video deepfake. Trước mối hiểm họa từ deepfake, bạn sẽ không còn có thể tin những gì mắt thấy tai nghe nữa.

Cuối cùng, Experian cảnh báo rằng sự phổ biến ngày càng tăng của hệ thống thanh toán di động – dự kiến ​​sẽ đạt giá trị 4,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2023 – sẽ là mục tiêu hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với những kẻ lừa đảo. Tuy rằng hầu hết các ứng dụng thanh toán NFC đều sở hữu hệ thống bảo mật tốt, nhưng một số thiết bị tại các điểm bán bán lẻ (ví dụ như POS) lại kém an toàn hơn rất nhiều.

Tội phạm mạng luôn không ngừng cải tiến các phương thức triển khai chiến dịch tấn công của mình theo hướng phức tạp và khó lường hơn. Đây là lý do tại sao tất cả các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đều buộc phải sở hữu những phương án phòng thủ an ninh mạng đáng tin cậy để tự bảo vệ chính bản thân cũng như khách hàng của mình.

Nguồn quantrimang