Hotline: 094.320.0088

Vì sao Mac không có tem Intel trên máy mà máy Windows lại có ?

Trên những chiếc máy tính chạy Windows, thường bạn sẽ thấy ít nhất một tem của Intel, sau đó có thể là tem của hãng làm card đồ họa là NVIDIA hoặc AMD, rồi tem giới thiệu tính năng của nhà sản xuất, thậm chí hãng dán tem về bảo hành nữa. Vậy tại sao máy Mac lại không dán những tem này? Vì chúng xấu, hợp lý đấy, nhưng tại sao các hãng khác dẫu biết xấu mà vẫn dán tem lên sản phẩm của họ? Vì tiền!

may-windows-chip-intel

Máy Windows dán chip tem chip Intel

Mọi chuyện bắt đầu từ những năm 1990, khi đó người tiêu dùng không quan tâm lắm đến con chip xử lý trong chiếc laptop và desktop mà họ mua là của ai sản xuất. Cũng giống như hiện tại, không nhiều quan tâm rằng thanh RAM trong laptop của mình do ai sản xuất hay mainboard của đơn vị nào cung cấp. Theo lời Jack Dahlgren, cựu nhiên viên Intel và hiện đang làm cho NVIDIA: “Vào thời đó ý tưởng rằng một công ty bán dẫn quảng bá sản phẩm của họ đến người dùng cuối đang rất cần thiết. Motorola không làm được chuyện đó. Texas Instrument cũng không. Fairchild cũng không. Chỉ những người thích và rành máy tính mới quan tâm máy của họ chạy CPU gì.”

Nói cách khác, người tiêu dùng không quan tâm tới thương hiệu CPU vào những năm mà máy tính cá nhân bắt đầu bùng nổ, vậy nên Intel quyết định sẽ thay đổi chuyện này bằng chiến dịch “Intel Inside”.

Với chiến dịch này, Intel bung tiền để làm ra các mẫu quảng cáo để nói về sức mạnh của chip Intel, khả năng tương thích của nó cũng như cách mà nó có thể chạy được với Windows trong tương lai chứ không chỉ hiện tại. Như mẫu quảng cáo bên dưới, có đoạn Intel nói với người tiêu dùng rằng hãy tìm những chiếc máy có dán tem Intel Inside, như vậy khách hàng có thể đảm bảo rằng mình mua được “hàng xịn”

Để đảm bảo rằng các nhà sản xuất PC sẽ dán tem Intel Inside lên máy, Intel đã đưa ra những gói giảm giá khi họ ký hợp đồng mua vi xử lý và các linh kiện cần thiết khác cho máy tính. Intel cũng giúp gánh một phần chi phí quảng cáo cho các OEM khi họ đăng các bài quảng cáo lên TV, báo chí và phương tiện truyền thông nếu OEM đạt một số tiêu chí nhất định. Cách thức này gọi là co-advertising.

Co-advertising được ưa chuộng thời bấy giờ vì hành động này không vi phạm luật cạnh tranh, trong khi đó việc Intel trả tiền để các nhà sản xuất máy tính không sử dụng chip của hãng khác sẽ bị phạt rất nặng. Rõ ràng giữa hai cách trên, Intel và OEM chọn cách co-advertising để hợp tác với nhau, và việc dán tem cũng là một phần trong thỏa thuận giữa hai bên.

Chiếc dịch Intel Inside rất thành công, nó giúp mọi người biết đến Intel nhiều hơn và người ta thậm chí còn tìm xem laptop, desktop nào được dán tem Intel thì mới chọn mua. Intel Inside đã thành công đến nỗi Apple phải chi tiền để “dập” lại Intel vào cuối những năm 1990.

Ngày nay, co-advertising vẫn còn được Intel sử dụng, nhưng nó không còn là lý do chủ đạo để các OEM chấp nhận dán tem Intel lên sản phẩm của mình. Bên cạnh đó còn có việc người tiêu dùng đã quen thuộc với tem này, và có thể họ sẽ đặt câu hỏi khi mua một cái laptop mà không có tem Intel Inside.

Về phía Apple, Mac chỉ mới bắt đầu dùng chip Intel từ năm 2006. Trước đó, máy tính Apple sử dụng CPU PowerPC do Apple, IBM và Motorola cùng nhau phát triển. Apple liên tục đưa ra những mẫu quảng cáo nói rằng vi xử lý của họ nhanh hơn nhiều so với chip Intel. Bên dưới là một trong số đó.

Theo lời Ken Segall, người từng làm quảng cáo cho Apple, mục đích của quảng cáo không phải là để thuyết phục khách hàng rằng chip PowerPC tốt hơn. Ý định của Apple và bên làm quảng cáo chỉ là đưa ra một luận điểm đối lập và tạo ra phản ứng của thị trường, tạo ra những cuộc trao đổi về Intel và Apple. Tất nhiên Intel cũng đâu vừa, họ làm ngay một trang web để benchmark các kết quả và so sánh sự khác biệt. Các bên đe dọa lôi nhau ra tòa. Steve Jobs nghĩ rằng Intel sẽ cắn mồi, và ông nghĩ rằng hình ảnh của Intel sẽ bị bôi bác trên các phương tiện mặt báo.

Cuối cùng thì cũng không có vụ kiện tụng nào thật sự diễn ra, nhưng Intel tất nhiên chẳng ưa gì các mẫu quảng cáo này, và cũng chẳng ưa gì Apple. Ít nhất là cho đến năm 2006.

Năm 2006, Apple tuyên bố họ sẽ chuyển qua dùng chip Intel. Các quan chức Intel khi ấy còn lên cả sân khấu nơi Apple giới thiệu sản phẩm. Thay đổi này khiến người ta thắc mắc: liệu Apple có dán tem Intel Inside lên hay không? Steve Jobs đã nhận được câu hỏi đó, và ông nói không.

“Chúng tôi rất tự hào khi đưa chip Intel vào Mac. Ý tôi là chúng rất nổi bật. Kết hợp với hệ điều hành của chúng tôi, chúng tôi đã tinh chỉnh lại để chúng chạy tốt với nhau, và chúng tôi rất tự hào về điều này. Giờ thì mọi người đã biết chúng tôi dùng chip Intel rồi, việc dán những cái tem lên nữa thì thật dư thừa quá. Thà rằng chúng tôi nói với khách hàng về sản phẩm bên trong, và họ sẽ tự biết máy tính của chúng tôi có CPU Intel”, Steve Jobs chia sẻ.

Và từ đó đến nay, Intel và Apple vẫn đang kết hợp với nhau và Apple vẫn chưa bao giờ dán tem Intel Inside lên thiết bị của mình. Apple chỉ để biểu tượng CPU Intel trên web của mình và một số dòng có hình ảnh in trên hộp, chủ thế thôi. Và có vẻ như điều này sẽ không bao giờ thay đổi…

Nguồn tinhte.vn

AEH

Khóa học Hacker Mũ Trắng – AEH